Đã từ lâu, tiết “Sinh hoạt dưới cờ” vào sáng thứ hai đầu tuần được Trường Tiểu học Mỹ Đức II duy trì tổ chức đầy đủ và bài bản. Mỗi chủ đề trải nghiệm thực hiện trong 3-4 tuần. Theo đó, sẽ xác định các hoạt động chung được tổ chức trong tiết sinh hoạt dưới cờ đối với học sinh toàn trường, các hoạt động riêng được tổ chức đối với từng khối, từng lớp. Không chỉ Tổng phụ trách Đội mà giáo viên chủ nhiệm (GVCN), giáo viên bộ môn cũng tham gia. Trong mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoài tổ chức nghi thức chào cờ (hát Quốc ca, hát Đội ca) trang nghiêm, trường còn tổ chức sinh hoạt với các chủ điểm: “Yêu trường mến lớp”; “Mái ấm gia đình”, " Phòng tránh bị xâm hại"," Nếp sống và tư duy khoa học",... ....tuyên truyền về an toàn giao thông... qua các hình thức như: Sân khấu hóa, Festival, Diễn đàn. Nội dung của các tiết sinh hoạt dưới cờ được nhà trường xây dựng theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, từng tuần, chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phù hợp, giáo dục truyền thống nhà trường, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, lòng biết ơn gia đình..., các hoạt động còn hướng đến nội dung tuyên truyền, giáo dục về giá trị ngày tết cổ truyền, truyền thống văn hóa... Buổi sinh hoạt diễn ra hấp dẫn, nhẹ nhàng, dần trở thành một “sân chơi bổ ích”, mang lại nhiều hứng thú cho học sinh, giáo dục đạo đức, rèn các kỹ năng cho học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện qua việc khơi dậy sự năng động, sức sáng tạo của học sinh, góp phần lan tỏa những thông điệp giáo dục có ý nghĩa.
Một tiết Sinh hoạt dưới cờ trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi của 2 cô giáo
Đỗ Thị Tâm và Lê Thị Nhụ
Để việc tổ chức thực hiện nội dung sinh hoạt dưới cờ thành công, các nhà trường bám sát mục tiêu giáo dục và nội dung chủ đề của hoạt động trải nghiệm. Mỗi tiết sinh hoạt dưới cờ, các nội dung chủ đề sinh hoạt bám sát các vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn xã hội cần thiết và được học sinh quan tâm như: Truyền thống nhà trường; Xây dựng nội quy trường lớp; Tuyên truyền an toàn giao thông; Tuyên truyền phòng tránh bạo lực học đường; Phát động phong trào giữ gìn trường, lớp sạch đẹp; Biết ơn thầy, cô giáo; Tìm hiểu về những người có công với quê hương; Ngày hội làm việc tốt; Tìm hiểu cảnh đẹp quê hương; Theo dòng lịch sử; Tìm hiểu về làng quê Việt Nam... Để đạt được mục tiêu phát triển năng lực học sinh, các nhà trường tạo mọi điều kiện và khuyến khích tối đa học sinh tham gia từ khâu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện đến việc triển khai thực hiện, đánh giá kết quả và bày tỏ quan điểm của mình trong các hoạt động, giáo viên chỉ gợi mở vấn đề hoặc chia sẻ kiến thức khi cần thiết.
Việc tổ chức tốt tiết sinh hoạt dưới cờ không chỉ phát huy ý nghĩa giáo dục, mà còn tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, lĩnh hội kiến thức không gò ép; là sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em đến trường khởi đầu tuần học mới với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, hy vọng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”./.